ĐBQH: Nên đốt thẻ Visa cho người âm thay vì đốt vàng mã để tránh ô nhiễm

ĐBQH: Nên đốt thẻ Visa cho người âm thay vì đốt vàng mã để tránh ô nhiễm
ĐBQH: Nên đốt thẻ Visa cho người âm thay vì đốt vàng mã để tránh ô nhiễm

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, thay vì đốt cả cọc tiền vàng gây ô nhiễm, có thể đốt thẻ Visa, Master giá trị vài tỷ đồng cho người âm.

Ngày 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tại dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhất đã đề xuất vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học là đối tượng chịu thuế. Mức thuế suất đề xuất với vàng mã, hàng mã là 70%.

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm chúng ta muốn hạn chế, nhưng thực tế có nhiều sản phẩm dù hạn chế, người dân vẫn sử dụng.

“Người dân đốt vàng mã không phải vì giá rẻ hay đắt, mà vì tín ngưỡng. Việc tăng thuế sẽ không khiến họ từ bỏ thói quen này. Thay vào đó, nếu chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các hình thức thay thế, sẽ hiệu quả hơn trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng”, ông Cảnh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng dù áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào đi nữa thì người dân vẫn sử dụng vàng mã. (Ảnh minh họa)

Bài viết liên quan  Những trường hợp giáo viên được phép dạy thêm tại nhà

“Tôi ví dụ bây giờ nếu khuyến nghị người dân là đốt một cọc tiền rất ô nhiễm, chúng ta làm Visa, Mastercard gì đó, chỉ một tờ đó tương đương vài tỷ đồng. Chúng ta đốt một tờ đó là đủ tiền cho người ở dưới dùng”, ông Cảnh gợi ý.

Ông Cảnh cũng dẫn giải thêm, tín ngưỡng của người Việt khi đưa người mất ra nghĩa trang thì dọc đường phải đốt tiền. Nhưng nếu chúng ta tuyên truyền chỉ đốt một tờ ngã tư, như vậy dọc đường đốt cỡ 5-6 tờ là xong.

“Như vậy nếu tuyên truyền tốt thì sẽ hài hòa giữa mục tiêu tín ngưỡng và mục tiêu môi trường. Nếu chỉ đánh thuế vàng mã cao thì người ta vẫn đốt bình thường, bởi vì đây là vấn đề tâm linh, thuế không quan trọng”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, theo cách hiểu dân gian, vàng mã (hay còn gọi là tiền âm phủ) là một loại vật phẩm được xem như phải đốt cho cõi âm trong văn hóa Việt Nam, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền, quần áo, xe hơi, nhà cửa…

Cũng theo đại biểu, vàng mã thường được sử dụng trong ngày lễ, dịp cúng, đám giỗ, mặc dù hiện nay chúng ta không khuyến khích việc này song trên thực tế vẫn diễn ra. Trong khi đó, đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập là công cụ hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên vui chơi giải trí và học tập, không dùng để đốt, nên không thể đánh đồng với khái niệm vàng mã, hàng mã.

Bài viết liên quan  Giá vàng hôm nay 10/2/2025 tiếp đà tăng, SJC trên 90 triệu đồng/lượng

Vì vậy, bà Mai đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định cho đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học ra khỏi khái niệm vàng mã, hàng mã.

Nhận định về những ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đã chuyển đổi số thì chúng ta sẽ tiến tới vàng mã cũng nên chuyển đổi số. “Chúng tôi thấy ở Nhật, một số nước đã áp dụng những hình thức gọn nhẹ, khi vào các cơ sở tín ngưỡng thờ tự không đốt vàng mã, đốt hương nhiều mà chuyển sang hương điện” , ông Hải nêu.

Biên Thùy (SHTT)