
Ngày 12/4/2025 báo VnExpress đưa tin “Nhiều đứt gãy ở Việt Nam có thể ‘thức giấc'” nội dung chính như sau:
Cảnh báo được các chuyên gia đưa ra sau trận động đất xảy ra ngày 28/3 ở Myanmar do ứng suất tích lũy trong hơn 200 năm tại một đoạn ranh giới mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu giải phóng tức thời, gây nứt đất, hóa lỏng nền móng và phá hủy nhiều công trình kiên cố.
Theo GS Phan Trọng Trịnh, Viện Địa chất, Việt Nam không nằm trực tiếp trên ranh giới giữa các mảng kiến tạo lớn, nhưng lại chịu tác động mạnh từ sự va chạm giữa mảng Ấn Độ và mảng Á – Âu. Sự chuyển động này đã tạo ra hàng loạt đới đứt gãy chạy qua lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt tập trung ở khu vực phía Bắc và miền Trung.
Một trong những hệ thống đứt gãy quan trọng nhất là đứt gãy sông Hồng, kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) đến vùng đồng bằng Bắc Bộ. “Đứt gãy này từng gây ra nhiều trận động đất lớn trong lịch sử, trong đó có trận động đất ở Điện Biên năm 1935 với độ lớn 6,8 độ”, GS Trịnh cho biết.
Các nghiên cứu cổ địa chấn tại khu vực này đã ghi nhận nhiều dấu tích của động đất cổ, thể hiện qua các trầm tích bị biến dạng, các vết trượt và lớp đất nứt gãy. Để đánh giá rủi ro trong tương lai, các nhà khoa học đã sử dụng các công thức tính toán độ lớn động đất cực đại dựa trên mô men động đất và tốc độ dịch chuyển. Kết quả cho thấy, đới đứt gãy sông Hồng có thể sinh ra động đất mạnh từ 6,9 đến 7,1 độ – mức có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng nếu xảy ra gần khu dân cư hoặc công trình trọng yếu.
Không chỉ riêng đứt gãy sông Hồng, các đới đứt gãy khác như Sơn La, Lai Châu – Điện Biên, hay các vùng ven biển miền Trung cũng đang trong trạng thái tương tự. Dù chưa ghi nhận trận động đất cực mạnh nào trong thế kỷ qua, các khu vực này vẫn cho thấy dấu hiệu hoạt động kéo dài từ kỷ Holocen (khoảng 11.000 năm trở lại đây) – một chỉ dấu quan trọng cho thấy khả năng chúng có thể “thức giấc” trở lại.
PGS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia tại Viện Vật lý địa cầu cho biết, Việt Nam hiện có hơn 40 hệ đứt gãy cấp 1 và cấp 2, trong đó đáng chú ý nhất là hệ đứt gãy sông Hồng – một trong những đới kiến tạo lớn và có khả năng hoạt động mạnh.
“Hệ thống này từng gây ra trận động đất mạnh tại Điện Biên vào năm 2001”, ông nói. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đứt gãy sông Hồng đang ở trạng thái “yên tĩnh địa chấn” (seismic quiescence), tức chưa ghi nhận các hoạt động địa chấn đáng kể. Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối.
“Dữ liệu quan trắc cho thấy hai cánh của đứt gãy vẫn đang dịch chuyển tương đối, tốc độ khoảng 3-5 mm mỗi năm”, PGS Phương cho biết. Đây là dấu hiệu cho thấy năng lượng vẫn đang tích tụ âm thầm, và nguy cơ phát sinh động đất trong tương lai là điều không thể loại trừ. “Hiện tượng ‘ngủ yên’ này có thể kéo dài hàng nghìn năm. Nhưng khi nó ‘thức giấc’, hoàn toàn có thể gây ra các trận động đất lên tới 7 độ”, PGS Phương cảnh báo.
Sơ đồ các hệ thống đứt gẫy có khả năng sinh chấn trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam và Bản đồ chấn tâm các trận động đất ghi nhận được trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam thời kỳ 1131-2017. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu
Hiện nay, việc quan sát địa chấn chủ yếu dựa vào dữ liệu trong khoảng 100 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian này là quá ngắn so với chu kỳ lặp lại của các trận động đất lớn, vốn có thể kéo dài vài trăm đến hàng nghìn năm. “Thời gian yên lặng càng dài, năng lượng tích tụ càng lớn. Việc chưa ghi nhận động đất mạnh không có nghĩa là không có nguy cơ mà là chưa đến lúc năng lượng được giải phóng”, PGS Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phương, để đánh giá chính xác nguy cơ động đất, cần đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống quan trắc địa chấn và GPS. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình ba chiều của các đứt gãy với tham số hình học (hướng, độ dốc, góc trượt…) và địa động lực (hướng dịch chuyển, tốc độ trượt…), là cơ sở quan trọng để dự báo nguy cơ động đất.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo cần tích hợp bản đồ nguy cơ địa chấn vào quy hoạch xây dựng các công trình trọng yếu như thủy điện, bệnh viện, nhà máy điện hạt nhân và hạ tầng giao thông liên vùng. Ngoài ra, việc áp dụng tiêu chuẩn kháng chấn trong xây dựng cần được đẩy mạnh, đặc biệt ở các khu vực gần nguồn sinh chấn.
Cùng ngày, báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin “Khi nào đứt gãy ở Việt Nam ‘thức giấc’ gây động đất mạnh?” nội dung chính như sau:
Tần suất và cường độ các trận động đất ở Việt Nam đang gia tăngTrong những năm gần đây, Việt Nam đã liên tục phải đối mặt với các hiện tượng động đất, một vấn đề mà trước đây nhiều người chỉ nghĩ sẽ xảy ra ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, những trận động đất không chỉ là dư chấn từ các khu vực nước ngoài mà còn đến từ các khu vực trong nước như Tây Bắc hay Kon Tum, khiến không ít người lo ngại về mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng.
Theo TS.Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sự gia tăng tần suất và cường độ của các trận động đất trong những năm gần đây có thể được giải thích qua hai yếu tố chính.
Việc dự đoán chính xác thời điểm xảy ra động đất vẫn là một thách thức lớn.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu là một yếu tố đáng chú ý. Con người đang gây ra nhiều tác động bất thường lên môi trường, dẫn đến sự gia tăng cường độ và tần suất của các thiên tai, trong đó có các trận động đất. Các hiện tượng thiên tai có thể liên kết chặt chẽ với nhau.
Chẳng hạn, những trận mưa lớn và có cường độ mạnh có thể làm thay đổi nền đất, ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động động đất. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình thủy điện cũng đã gây ra các trận động đất kích thích ở một số khu vực như Tây Bắc, Quảng Nam và Kon Tum.
Thứ hai, sự thay đổi về kiến trúc đô thị cũng đóng vai trò quan trọng. Trước đây, khi các đô thị như Hà Nội hay TP.HCM chưa phát triển nhiều công trình cao tầng, người dân khó có thể cảm nhận rõ ràng các trận động đất.
Tuy nhiên, khi mật độ dân cư tăng lên và các công trình cao tầng xuất hiện nhiều hơn, việc cảm nhận động đất trở nên dễ dàng hơn, và khi thông tin được chia sẻ rộng rãi, cảm giác về sự gia tăng số lượng động đất cũng vì thế mà rõ ràng hơn.
Trên thực tế, Việt Nam đã từng ghi nhận động đất từ rất lâu. Các khu vực như Tây Bắc đã chứng kiến những trận động đất mạnh với độ lớn lên đến 6,7-6,8 độ Richter, vào các năm 1935 và 1983. Điều đặc biệt ở động đất là tính chu kỳ của nó. Những trận động đất lớn thường có chu kỳ lặp lại rất dài, có thể là hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm, như trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023.
Việt Nam đã xây dựng bản đồ phân vùng động đất để đánh giá nguy cơ động đất tại các khu vực trên cả nước. Dựa vào bản đồ này, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Tuy nhiên, khu vực Tây Bắc là nơi có nguy cơ xảy ra những trận động đất mạnh nhất. Đây là khu vực đã ghi nhận những trận động đất mạnh với độ lớn lên tới 6,7-6,8 độ Richter vào năm 1935 và 1983.
Ở Tây Nguyên, trong những năm gần đây, cũng đã ghi nhận nhiều trận động đất nhỏ, chủ yếu do các tác động từ các công trình thủy điện. Các công trình này không chỉ gây ra các động đất kích thích mà còn có thể làm thay đổi hệ thống địa chất, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh động đất mạnh trong tương lai.
Hiện tại, Việt Nam đã triển khai hơn 30 trạm địa chấn quốc gia để theo dõi và giám sát các hoạt động động đất trên toàn lãnh thổ. Cùng với đó, gần 100 trạm địa chấn địa phương được lắp đặt tại các công trình trọng điểm như thủy điện hay các khu vực dự kiến phát triển điện hạt nhân.
Các dữ liệu thu thập từ các trạm địa chấn sẽ được chuyển về Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần ở Hà Nội để phân tích tự động. Trung tâm này có nhiệm vụ xác định chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất và phát đi cảnh báo sớm.Theo quy định, những trận động đất có độ lớn trên 3,5 độ Richter sẽ được phát thông báo. Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả những trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ trở lên cũng sẽ được công bố để đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ.
Dù vậy, TS.Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh rằng, việc dự đoán chính xác thời điểm xảy ra động đất vẫn là một thách thức lớn. Đây là vấn đề mà không chỉ Việt Nam mà ngay cả các quốc gia có lịch sử động đất dày dặn như Nhật Bản cũng chưa thể giải quyết được. Hiện nay, chỉ có thể dự đoán độ lớn của động đất tại các khu vực, nhưng không thể xác định được thời gian xảy ra cụ thể.
Khi nào các đứt gãy thức giấc?PGS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia tại Viện Vật lý địa cầu cho biết, Việt Nam không nằm trên vành đai lửa nên chúng ta an toàn, không xảy ra những trận động đất hủy diệt như ở Sumatra – Andaman năm 2024 (mạnh 9,3 độ) lấy đi tính mạng của 300.000 người hay động đất mạnh như ở Myanmar vừa qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm ẩn các trận động đất mạnh do trên lãnh thổ nước ta có nhiều hệ thống đứt gãy dài hàng chục km đến hàng trăm km và các đứt gãy sâu nên vẫn phát sinh động đất.
Việt Nam hiện có hơn 40 hệ đứt gãy cấp 1 và cấp 2, trong đó đáng chú ý nhất là hệ đứt gãy sông Hồng – một trong những đới kiến tạo lớn và có khả năng hoạt động mạnh. Hệ thống này từng gây ra trận động đất mạnh tại Điện Biên vào năm 2001. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đứt gãy sông Hồng đang ở trạng thái “yên tĩnh địa chấn” (seismic quiescence), tức chưa ghi nhận các hoạt động địa chấn đáng kể. Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối.
Động đất tại Myanmar: Số người thiệt mạng tăng lên gần 3.650 ngườiMyanmar tri ân 5 đoàn cứu hộ quốc tế giúp đỡ người dân sau vụ động đất”Dữ liệu quan trắc cho thấy hai cánh của đứt gãy vẫn đang dịch chuyển tương đối, tốc độ khoảng 3-5 mm mỗi năm. Đây là dấu hiệu cho thấy năng lượng vẫn đang tích tụ âm thầm, và nguy cơ phát sinh động đất trong tương lai là điều không thể loại trừ. “Hiện tượng ‘ngủ yên’ này có thể kéo dài hàng nghìn năm. Nhưng khi nó ‘thức giấc’, hoàn toàn có thể gây ra các trận động đất lên tới 7 độ”, PGS Phương cảnh báo.
Hiện nay, việc quan sát địa chấn chủ yếu dựa vào dữ liệu trong khoảng 100 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian này là quá ngắn so với chu kỳ lặp lại của các trận động đất lớn, vốn có thể kéo dài vài trăm đến hàng nghìn năm. “Thời gian yên lặng càng dài, năng lượng tích tụ càng lớn. Việc chưa ghi nhận động đất mạnh không có nghĩa là không có nguy cơ mà là chưa đến lúc năng lượng được giải phóng”, PGS Phương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia địa chất, dù Việt Nam không nằm trên “vành đai núi lửa” Thái Bình Dương, nơi xảy ra 90% số trận động đất toàn cầu, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ động đất. Các trận động đất có độ lớn từ 5-6 độ Richter vẫn có thể gây thiệt hại lớn, đặc biệt đối với các công trình không được thiết kế để chịu chấn động mạnh.
Việc chủ động nghiên cứu và chuẩn bị là rất quan trọng. Mặc dù không thể dự đoán chính xác thời gian xảy ra động đất, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo sớm, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Với những nghiên cứu chuyên sâu và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể bảo vệ được cuộc sống của hàng triệu người trước những thảm họa tiềm ẩn từ lòng đất.