
Giới y tế toàn cầu bày tỏ sự lo ngại trước sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới mang tên XEC, một “hậu duệ” đáng gờm của Omicron, đang lan rộng với tốc độ chóng mặt tại nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan.
XEC được biết có tốc độ lây lan nhanh gấp 7 lần so với cúm. Ảnh: Heho Health.
Thông tin từ Bộ Y tế Công cộng Thái Lan khiến không ít người phải giật mình khi đưa ra thông tin cho biết: Biến thể XEC đang “leo thang” với tốc độ lây lan kinh hoàng, nhanh gấp 7 lần so với cúm mùa thông thường. Điều này đã kéo theo sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhập viện và tử vong tại xứ sở Chùa Vàng trong thời gian gần đây.
Thống kê từ đầu năm đến giữa tháng 5 cho thấy, Thái Lan đã ghi nhận con số 108.891 ca nhiễm biến thể XEC, trong đó có 27 trường hợp đã tử vong. Đáng chú ý, phần lớn các ca tử vong thuộc nhóm “608”, những người cao tuổi, có bệnh nền và phụ nữ mang thai, những đối tượng vốn dễ bị tổn thương. Chỉ trong tuần gần nhất, số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì COVID-19 đã tăng vọt 35,5% so với tuần trước, với hơn 43.000 ca đang cần được điều trị nội trú.
Theo các chuyên gia y tế Thái Lan, biến thể XEC xuất phát từ sự “tái hợp” giữa các nhánh phụ của Omicron, sở hữu khả năng lây nhiễm vượt trội so với các “anh chị em” tiền nhiệm. Tuy nhiên, một tin tức có phần “dễ thở” là các chuyên gia y tế nhận định rằng XEC không gây ra triệu chứng quá nghiêm trọng ở đa số người mắc.
Mặc dù vậy, XEC lại có các triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm mùa thông thường. Những người nhiễm XEC thường trải qua các biểu hiện như ho dai dẳng, sốt hoặc ớn lạnh, đi kèm với cảm giác mệt mỏi và kiệt sức đến “bã người”. Trong một số trường hợp, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, còn xuất hiện tình trạng khó thở.
Mặc dù tình trạng mất vị giác hoặc khứu giác không còn phổ biến như trước, nhưng vẫn có những trường hợp nhiễm XEC gặp phải triệu chứng “đặc trưng” này. Bên cạnh đó, đau nhức cơ thể, đau đầu, đau họng và nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi cũng là những triệu chứng được ghi nhận khá thường xuyên. Thậm chí, một số bệnh nhân còn phải đối mặt với các vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Nhìn chung, các triệu chứng do biến thể XEC gây ra có vẻ “hiền lành” đối với những người có sức khỏe tốt, nhưng lại có thể kéo dài, gây ra không ít bất tiện thậm chí trở nên nguy hiểm đối với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Theo bác sĩ Teera Woratanarat, một chuyên gia từ Đại học Chulalongkorn, mặc dù XEC hiếm khi gây ra biến chứng nặng ở người khỏe mạnh, nhưng nó vẫn là mối đe dọa lớn đối với nhóm có nguy cơ cao. Những người cao tuổi, người chưa tiêm vaccine hoặc người có bệnh nền cần đặc biệt cảnh giác. Dù tỷ lệ tử vong có thể không cao, nhưng với tốc độ lây lan “chóng mặt” của XEC, số lượng bệnh nhân nguy kịch có thể tăng lên nhanh chóng nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
So với các biến thể trước đây như Delta hay BA.5 của Omicron, XEC có vẻ không được xem là cao hơn về mức độ độc lực. Tuy nhiên, chính khả năng lây lan “thần tốc” của nó đã biến XEC thành một mối nguy hiểm thực sự ở cấp độ cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng xác nhận XEC là một trong những biến thể có tốc độ nhân lên và lây lan nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đặc biệt là trong môi trường đông người như trường học hoặc khu vực đô thị.
Hiện tại, Cơ quan Quản lý Dịch bệnh Thái Lan đã yêu cầu các trường học và bệnh viện tăng cường công tác giám sát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các ổ dịch tiềm ẩn. Trong khi đó, các chuyên gia y tế không ngừng nhấn mạnh rằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập nơi đông người và tiêm vaccine nhắc lại vẫn là “lá chắn” hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước XEC cũng như các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
QT (SHTT)