
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối không chỉ thành công về doanh thu “khủng”, vốn là lần đầu tiên với một bộ phim về đề tài chiến tranh – cách mạng mà còn ở sức hút với khán giả gen Z.
VÌ SAO ĐỊA ĐẠO HÚT GEN Z ?
Cơn sốt của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị hiếu của khán giả trẻ, đặc biệt là gen Z.
Có thể thấy điều khiến bộ phim chạm được vào nhóm khán giả này nằm ở cách kể chuyện hiện đại, giàu cảm xúc và sự thấu hiểu hành vi tiếp nhận qua mạng xã hội. Trước hết, thời điểm khởi chiếu phim là một lợi thế để quảng bá. Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, bộ phim nắm bắt được dòng chảy cảm xúc cộng đồng, khi tình yêu nước và nhu cầu kết nối với quá khứ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Cảnh phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. ẢNH: GALAXY
Video đang HOT
Mặt khác, điều quan trọng hơn chính là ngôn ngữ điện ảnh hiện đại của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tạo nên sự khác biệt. Không hô hào khẩu hiệu hay tái hiện lịch sử khô khan, Địa đạo khắc họa chiến tranh qua những con người rất bình thường với cảm xúc cá nhân và những tình tiết gần gũi, giúp gen Z nhìn thấy chính mình trong những người trẻ sống ở một thời đại khác. Thêm nữa, yếu tố hình ảnh, kỹ thuật cũng được đầu tư nghiêm túc, tạo nên trải nghiệm thị giác ngang tầm điện ảnh quốc tế – một điều rất quan trọng với một thế hệ đã quen với phim bom tấn và thẩm mỹ cao.
Cuối cùng, chính tính chân thực đã giúp phim vượt qua khoảng cách thế hệ, trở thành một câu chuyện nhân văn, dễ tiếp cận nhưng đủ sức nặng để khiến khán giả trẻ dừng lại và suy ngẫm. Nhận định về sức hút của Địa đạo với khán giả gen Z, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ với Thanh Niên: “Tháng 4 là thời điểm rất đặc biệt của lịch sử dân tộc và bộ phim đã ra mắt đúng thời điểm. Hơn nữa những người trẻ luôn hướng về lịch sử và bộ phim chuyển tải nội dung lịch sử ở một thời điểm cũng đặc biệt. Phim không nặng tính tuyên truyền; tiệm cận gu thưởng thức của khán giả trẻ về phim chiếu rạp và được truyền thông khá tốt. Một điều nữa là phim không gặp những “đối thủ” nặng ký đang chiếu ở phòng vé”.
Ở góc nhìn chuyên môn, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho rằng phim thu hút khán giả trẻ vì có cách tiếp cận mới mẻ, hiện đại, không kể chuyện theo lối mòn của những phim chiến tranh trước đây; nhịp phim nhanh, cắt dựng dồn dập, tạo cảm giác hồi hộp. Phim dùng ánh sáng, âm thanh, và nhất là những góc máy tạo cảm giác bí bách, căng thẳng khiến khán giả khó rời mắt suốt 128 phút phim. “Tâm lý gen Z là quan tâm đến trải nghiệm cá nhân, cảm xúc nội tâm, các nhân vật trong phim đa phần là những người trẻ nên các bạn thanh niên có cảm giác dễ đồng cảm với nhân vật. Phim không chỉ kể về quá khứ mà còn phản chiếu những điều mà gen Z quan tâm: sự lựa chọn, lòng can đảm, và hành trình vượt qua nỗi sợ”, đạo diễn này phân tích thêm.
Phim Đào, phở và piano. ẢNH: ĐPCC
THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN VÀ CHẠM ĐẾN CẢM XÚC
Còn nhớ thời điểm Đào, phở và piano tạo nên cơn sốt phòng vé bất ngờ và cũng thu hút khán giả trẻ, đạo diễn Phi Tiến Sơn từng chia sẻ muốn người trẻ đến với với lịch sử dễ dàng hơn thì phải thay đổi cách tiếp cận. Trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội, truyền thông đa dạng thì những người làm nội dung không thể làm theo kiểu cũ. Đạo diễn Đào, phở và piano còn cho rằng các nhà làm phim phải có cách kể chuyện và truyền tải thông điệp phim hợp với người xem hiện nay, để họ nhìn thấy bản thân mình trong đó. Đó là chạm đến cảm xúc, tình thương, tạo sự xúc động khiến người trẻ thấy được trách nhiệm với đất nước và cả chính mình.
Để dòng phim chiến tranh – cách mạng thu hút khán giả gen Z, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng cho rằng lâu nay chúng ta nhìn nhận các bộ phim chiến tranh – cách mạng thường mang tính minh họa. Điều đó lại khác với gu thưởng thức của giới trẻ VN hiện nay. Vì hiện tại các bạn tiếp xúc với nhiều nền điện ảnh trên thế giới, tư duy xem phim rất rộng mở, nên nếu tác phẩm không chạm đến cảm xúc thì dễ thất bại. “Để phim chiến tranh hút khán giả gen Z thì phải xác định làm bộ phim đó phục vụ cho khán giả. Kịch bản phải hay, phải chạm vào người xem. Từ trước đến nay phim đề tài này cũng có nhưng câu chuyện không chạm cảm xúc, do đó các nhà làm phim cần phải cởi mở, sáng tạo hơn về nội dung. Ngoài ra, phải có kinh phí để truyền thông giúp bộ phim lan tỏa nhanh hơn, chứ không thể kiểu làm phim nhà nước “đem con bỏ chợ”, không quan tâm đến doanh thu”, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nói thêm.
Còn theo nhà phê bình trẻ Lucas Luân Nguyễn, làn sóng tự hào dân tộc đang ngày càng lan tỏa mãnh liệt hơn bao giờ hết. Với gen Z, trải qua thời kỳ vươn tầm để hội nhập; các trào lưu, sản phẩm văn hóa của quốc tế dễ dàng tạo tác động và ảnh hưởng. Khi đã hội nhập rồi, chúng ta bắt đầu đào sâu vào căn tính của chính mình, để trả lời cho câu hỏi “Điều gì khiến tôi là người VN?”. Sẽ không quá khó khi tìm trên mạng để thấy người trẻ ủng hộ Việt phục, yêu áo dài… Điều đó cho thấy cộng đồng người trẻ yêu lịch sử và lan tỏa những giá trị văn hóa càng ngày càng lớn. “Với mô hình sản xuất và thành công của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, tôi nghĩ tác phẩm phim chiến tranh – lịch sử được đưa lên màn ảnh nếu đúng tầm, đúng chuẩn lịch sử, được đầu tư về kịch bản và sản xuất thì sẽ chạm đến người trẻ và được họ đón nhận”, nhà phê bình Lucas Luân Nguyễn nhấn mạnh.
Thái Hòa: Tôi như cá gặp nước khi đóng “Địa đạo”
Diễn viên Thái Hòa chia sẻ, đề tài chiến tranh như phim “Địa đạo” là kịch bản anh luôn mong muốn được góp mặt. Khi đóng “Địa đạo”, anh như “cá gặp nước”, chỉ cảm thấy thoải mái chứ không thấy vất vả.
Thái Hòa gây ấn tượng mạnh khi vào vai đội trưởng du kích Bảy Theo trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Anh khắc họa hình ảnh một người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, gan dạ giữa lòng địa đạo – nơi vừa là chiến trường, vừa là mái nhà của lực lượng du kích.
Diễn xuất của Thái Hòa trong phim được đán.h giá sâu sắc, đầy cảm xúc. Vai diễn này không chỉ giúp anh làm mới hình ảnh bản thân trên màn ảnh, mà còn góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của khán giả.
Thái Hòa và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong buổi ra mắt phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”
Khi được hỏi đặt Thái Hòa – một gương mặt quen thuộc với khán giả đại chúng – vào một bộ phim chiến tranh có phần nặng về tâm lý, có phải là một lựa chọn chiến lược để kéo khán giả ra rạp hay không, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ anh chỉ tìm một diễn viên phù hợp với nhân vật. “Tôi nghĩ đơn giản rằng, khi tìm diễn viên cho bộ phim này, điều đầu tiên cần có là khí chất – một khí chất phù hợp với nhân vật. Khí chất thể hiện qua tính cách, ngoại hình, hành vi, cử chỉ, và độ tuổ.i. Điều tiếp theo, rất quan trọng, là tính chuyên nghiệp của diễn viên. Khi gặp Thái Hòa, tôi cảm thấy rất tin tưởng. Tôi đã xem nhiều phim Thái Hòa đóng và cảm phục tính chuyên nghiệp cũng như khả năng diễn xuất, khả năng biểu đạt cảm xúc của anh ấy”, anh nói.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng Thái Hòa rất phù hợp với phim “Địa đạo”. Đạo diễn chia sẻ: “Anh ấy ở độ tuổ.i đúng với nhân vật Bảy Theo – một người đàn ông từng trải, có con gái đang sống trong địa đạo, một người chu đáo, tình cảm nhưng cũng có khí chất của một người chỉ huy, có uy tín, biết dẫn dắt tập thể. Tất cả những điều đó đều ăn khớp với nhân vật mà chúng tôi xây dựng”.
Còn đối với Thái Hòa, khi hóa thân vào vai Bảy Theo trong “Địa đạo”, anh như bắt đầu lại từ đầu trong sự nghiệp diễn xuất. “Với tôi, mỗi vai diễn mới giống như một lần bắt đầu lại từ đầu. Khi bước qua một vai diễn khác, tôi luôn có cảm giác như mình phải học lại, làm lại mọi thứ. Vai Bảy Theo trong ‘Địa đạo’ chỉ là một chặng đường trong hành trình làm nghề, tôi không đặt kỳ vọng quá lớn”, nam diễn viên bày tỏ.
Nhân vật Bảy Theo (Thái Hòa) trong một cảnh chứng kiến đồng đội hy sinh
Điều duy nhất Thái Hòa mong muốn là khán giả có thể đồng cảm với Bảy Theo giống như cách anh đã đồng cảm với nhân vật này.
“Khi được tham gia ‘Địa đạo’, một bộ phim về đề tài chiến tranh, tôi cảm thấy rất phấn khích. Câu chuyện phim mang đúng tinh thần của điện ảnh, kiểu câu chuyện mà tôi luôn mong muốn được góp mặt. Trước đây, tôi thường tham gia những câu chuyện mang tính sinh hoạt đời thường, nên cảm xúc không ‘đã’ bằng lần này. Với ‘Địa đạo’, tôi giống như cá gặp nước, rất thoải mái và thỏa mãn. Mọi người nhìn vào và thấy công việc cực nhọc, nhưng với tôi, suốt quá trình quay phim, chỉ toàn là cảm giác… sướng, sướng cho đến tận những ngày quay cuối cùng”, Thái Hòa nói.
Để hóa thân vào nhân vật Bảy Theo trong “Địa đạo”, diễn viên Thái Hòa phải rèn luyện cả tinh thần và thể lực. Anh giảm cân, đảm bảo thân hình gầy gò, hốc hác đúng với hình tượng người chiến sĩ sống lâu năm trong địa đạo.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” xoay quanh nhóm du kích 21 người, do Bảy Theo (Thái Hòa) làm đội trưởng. Anh và các đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn cho nhóm thông tin tình báo chiến lược. Tuy nhiên, các cuộc liên lạc của họ bị quân địch phát hiện. Những chiến sĩ du kích rơi vào tình thế nguy hiểm, song họ không được phép bỏ trốn. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên gồm Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Hằng Lamoon, Hoàng Minh Triết, Nhật Ý…
Sau hơn 1 tuần ra mắt, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” chính thức chạm mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Với thành tích này, “Địa đạo” chính thức trở thành phim điện ảnh đầu tiên về đề tài chiến tranh có doanh thu trăm tỷ đồng tại phòng vé. Tính đến sáng 15/4, bộ phim vượt mốc doanh thu 130 tỷ đồng.
Nguồn: https://vietgiaitri.com/de-dong-phim-chien-tranh-cach-mang-hut-khan-gia-gen-z-20250422i7425823/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1MaW5rXzIwMjUwNDIyfDIyOjE0OjMx