
Thông tin này được đăng tải trên báo điện tử VnExpress ngày 25/3/2025. Bài viết có tiêu đề: “Hơn 190 giáo viên bị ‘quên’ nâng lương”. Nội dung cụ thể như sau:
191 giáo viên từ mầm non đến THCS ở huyện Hoằng Hoá nhiều năm nay không được nâng bậc lương, phụ cấp, tổng 14 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hùng Thao, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa, ngày 24/3 cho biết tin trên. Đây là số giáo viên được tuyển dụng vào viên chức từ năm 2018 đến nay.
Trong đơn thư gửi nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa, các giáo viên cho hay trong thời gian này chỉ được nhận lương cơ bản như khi ký hợp đồng (hệ số 2.34), dù đã vào biên chế. Trong khi, theo quy định của Chính phủ, viên chức được nâng bậc lương, cứ ba năm một lần. Ngoài ra, việc này ảnh hưởng tới phụ cấp thâm niên – được tính căn cứ hệ số lương của mỗi người.
“Chúng tôi như bị bỏ quên”, một giáo viên nói.
Ảnh minh họa
Theo ông Thao, nguyên nhân là các quy định hiện hành không quy định rõ việc xếp lương cho viên chức giáo dục được tính từ thời điểm tuyển dụng, hay sau khi Nghị định 161/2018 và Thông tư 05/2024 có hiệu lực. Hai văn bản này quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Trần Quốc Huy nói về nguyên tắc, sau khi tuyển dụng giáo viên, các địa phương phải xếp lại lương cho họ. Ông dẫn chứng giai đoạn 2018-2024, nhiều huyện của tỉnh cũng tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng không nơi nào “bỏ quên” quyền lợi giáo viên như ở Hoằng Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay đã giao Sở Nội vụ chủ trì làm rõ vụ việc, báo cáo kết quả và cách xử lý trước ngày 7/4.
Hiện bảng lương giáo viên chia theo hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng lại có nhiều bậc lương, từ 2.1 đến 6.78. Với lương cơ sở hiện hành, lương giáo viên dao động 4,9 đến 11,4 triệu đồng một tháng.
Ngoài lương, tùy vị trí, nơi công tác, giáo viên có thể nhận được một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Bảng lương giáo viên năm 2025
Bảng lương của giáo viên 2025 các cấp bảo đảm sẽ không thấp hơn các mức như sau:
– Đối với lương giáo viên mầm non:
+ Mức lương thấp nhất: không thấp hơn 4.914.000 đồng/tháng.
+ Mức lương cao nhất: không thấp hơn 14.929.200 đồng/tháng.
– Đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT:
+ Mức lương thấp nhất: không thấp hơn 5.475.600 đồng/tháng.
+ Mức lương cao nhất: không thấp hơn 15.865.200 đồng/tháng.
Lưu ý: Tiền lương trên chưa bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp khác.
Định mức giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT như thế nào?
(1) Định mức giáo viên mầm non
Theo quy định tại Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT thì định mức giáo viên mầm non như sau:
– Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 03 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;
– Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;
– Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau:
Cứ 06 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3 đến 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 đến 6 tuổi thì được bố trí thêm 1,0 giáo viên;
– Đối với nhóm trẻ ghép, lớp mẫu giáo ghép theo Điều lệ trường mầm non thì được bố trí định mức giáo viên theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;
– Đối với điểm trường chỉ có 01 nhóm trẻ hoặc 01 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì được bố trí 2,0 giáo viên/nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.
(2) Định mức giáo viên tiểu học, THCS, TPHT:
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có nêu rõ quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau:
– Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
– Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
– Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại
– Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông như sau:
+ Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
+ Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
+ Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/chuyen-cuoc-song-4690/hon-190-giao-vien-bi-quen-nang-luong-cu-the-nhu-the-nao