
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội cảm nhận được rung chấn dù các trận động đất xảy ra ở khu vực xa hay các quốc gia lân cận.
Ba yếu tố khiến người dân cảm nhận thấy động đất ở Myanmar
Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền Trung Myanmar chiều 28/3 khiến nhiều người dân nước này thương vong, nhiều công trình ở Myanmar và Thái Lan bị hư hại, đổ sập.
Nhiều cây cầu, đường cao tốc ở Myanmar bị hư hại do động đất (Ảnh: EPA).
Cũng vào đầu giờ chiều 28/3, người dân sinh sống, làm việc ở một số khu vực tại Hà Nội và TPHCM cảm nhận rõ sự rung lắc, choáng váng. Đèn treo trần, bể cá hay đồ đạc ở vị trí cao… đều chịu tác động của sự rung chấn. Nhiều người lo lắng nhanh chóng rời các tòa nhà cao tầng và di chuyển xuống đường.
Ước tính vị trí tâm chấn động đất ở Myanmar cách Hà Nội hơn 1.000km và cách TPHCM khoảng 1.700km đường chim bay.
Vị trí tâm chấn động đất tại Myanmar (Ảnh: VAST).
Trả lời phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, cho biết, người dân ở Hà Nội và TPHCM cảm nhận được động đất là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh xảy ra ở Myanmar lúc 13h20 chiều 28/3.
“Các trận động đất mạnh có độ lớn trên 7 thường có thể có tầm ảnh hưởng hàng nghìn ki-lô-mét, ảnh hưởng mạnh nhất ở vùng tâm chấn và càng ra xa ảnh hưởng càng nhỏ dần.
Khi động đất xảy ra sẽ lan truyền sóng động đất và tác động lên bề mặt, càng ra xa, sóng càng yếu. Trong vụ động đất tại Myanmar, ảnh hưởng nặng nhất là ở nước này và Bangkok (Thái Lan), qua tới Lào và một số thành phố ở Việt Nam thì mức độ nhẹ đi”, TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Người dân trên nhà cao tầng ở quận Đống Đa chạy xuống tầng 1 khi cảm nhận tòa nhà rung lắc (Ảnh: Hoàng Anh).
Video đang HOT
Theo Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, việc người dân cảm nhận được rung chấn hay không phụ thuộc vào ba yếu tố chính.
“Đầu tiên phải kể đến khoảng cách, ở càng gần tâm chấn thì càng cảm nhận rõ.
Yếu tố thứ hai là nền đất. Nền đất khác nhau sẽ rung lắc khác nhau. Yếu tố thứ ba là công trình. Người ở công trình thấp không cảm nhận được nhưng người ở công trình cao thì cảm nhận rõ hơn.
Chiều qua, ở Hà Nội đa phần người dân ở các công trình cao cảm nhận rõ hơn sự rung lắc so với những người ở nhà thấp tầng. Chính vì vậy ở khu vực này thì thấy rung lắc, đồ đạc dịch chuyển nhưng điểm khác thì không”, TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội cảm nhận được động đất dù các trận động đất xảy ra ở khu vực xa hay các quốc gia lân cận.
Người Hà Nội từng cảm nhận được các trận động đất xảy ra tại Thái Lan, Lào, Vân Nam (Trung Quốc). Trận động đất 5.3 độ ở Mộc Châu (Sơn La) trước đây cũng ảnh hưởng tới Hà Nội khiến người dân thấy rung lắc.
Người dân hốt hoảng chạy khỏi tòa nhà ở trung tâm TPHCM (Ảnh chụp màn hình).
Cách ứng phó khi xảy ra động đất
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất và các dư chấn của các trận động đất gây ra sự dịch chuyển đột ngột của mặt đất, những tiếng nổ lớn, gây hư hại một số công trình, nhà ở, làm rơi vỡ đồ đạc, nhiều nơi còn chịu thiệt hại lớn về người.
Tại Việt Nam, Kon Tum là địa phương thường xuyên xảy ra các trận động đất nhỏ. Từ trước đến nay, nước ta không có các trận động đất lớn và mật độ không nhiều như các quốc gia nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ.
Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu, trang bị cho mình kỹ năng nhận diện, ứng phó, bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất.
TS Nguyễn Xuân Anh đưa ra lời khuyên ứng phó khi xảy ra động đất:
– Nếu đang ở trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc: Bảo vệ cơ thể khỏi các tấm đổ vỡ bằng cách bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn nào đó.
Cách xử lý tình huống khi xảy ra động đất (Ảnh: TS Nguyễn Xuân Anh).
– Nếu đang ở bên ngoài hãy chạy ngay tới vùng đất trống; tránh xa các đường dây điện, các cột điện, đường ống dẫn nhiên liệu, tường và các công trình xây dựng khác hoặc có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống; tránh xa các tòa nhà cao tầng.
– Nếu ở trên một ngọn núi hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc: Hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất.
– Nếu đang lái xe hãy cố gắng lái vào bên đường và dừng lại, không được cố chui qua hoặc vượt qua những cầu vì chúng có thể bị sụp.
NÓNG: Người dân TP HCM xôn xao bởi rung lắc
Hơn 13 giờ chiều 28-3, nhiều người dân, đặc biệt ở các tòa nhà cao tầng tại TP HCM cảm nhận rung lắc.
Họ hốt hoảng chạy ra ngoài
Theo Viện Vật lý địa cầu, 13 giờ 20 hôm nay (theo giờ Việt Nam) đã xảy ra động đất 7,1 độ ở Myanmar gây rung lắc tới TP HCM.
Trong khi đó, trang web của Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) hiển thị trận động đất này mạnh tới 7,7 độ.
Theo ghi nhận, tại TP HCM, chiều cùng ngày, nhiều người dân trên địa bàn quận 1, quận 3, quận 6, quận 8, quận 11, Phú Nhuận, TP Thủ Đức… cho biết họ cảm nhận nhà cửa rung lắc, phải chạy ra ngoài.
Tại các toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, người dân cũng nhanh chóng chạy ra đường.
Một số hình ảnh ban đầu, Phóng viên Báo Người Lao Động đang tiếp tục cập nhật:
TP Thủ Đức
Nguồn: https://vietgiaitri.com/ly-do-ha-noi-tphcm-cach-myanmar-hon-1000km-van-thay-rung-lac-vi-dong-dat-20250329i7408946/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1MaW5rXzIwMjUwMzI5fDEzOjE0OjI3