Phát hiện ca nhiễm vi khuẩn ‘ăn thịt người’ ở TPHCM, tấn công từ chân lên phổi

Phát hiện ca nhiễm vi khuẩn ‘ăn thịt người’ ở TPHCM, tấn công từ chân lên phổi
Phát hiện ca nhiễm vi khuẩn ‘ăn thịt người’ ở TPHCM, tấn công từ chân lên phổi

Người đàn ông 42 tuổi vào viện cấp cứu do nhiễm trùng huyết nặng. Bác sĩ xác định vi khuẩn “ăn thịt người” đã gây tổn thương đa cơ quan từ mô mềm, khớp gối và lan đến phổi gây áp xe.

Ông N.V. (42 tuổi, trú tại TPHCM) vào một bệnh viện ở Bình Chánh (TPHCM) cấp cứu trong tình trạng gối trái sưng đỏ, đau dữ dội, khớp gần như bất động.

Khai thác bệnh sử, 10 ngày trước khi nhập viện, người đàn ông này bắt đầu cảm thấy đau nhức gối trái, cử động khó khăn. Ông V. tìm đến bệnh viện địa phương điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm và chuyển sang cơ sở y tế khác can thiệp thêm 5 ngày, tuy nhiên tình trạng thậm chí còn diễn tiến nặng hơn nên tiếp tục chuyển sang bệnh viện thứ 3.

Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị áp xe gối trái do viêm khớp trên tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Khi thực hiện thêm các cận lâm sàng chuyên sâu như chụp CT và xét nghiệm máu, họ bất ngờ phát hiện ổ viêm ở gối trái của bệnh nhân không chỉ lớn bất thường mà còn lan rộng lên đùi, kèm dấu hiệu xuất huyết khớp và áp xe nhiều nơi ở phổi.

Bệnh nhân đang được bác sĩ theo dõi. Ảnh: BVCC.

Kết quả xét nghiệm và nuôi cấy, định danh vi khuẩn bằng kháng sinh đồ xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.

Bài viết liên quan  Thất vọng với nhiều nghệ sĩ Việt quảng cáo sữa kém chất lượng

Bệnh Whitmore – hay còn được nhiều người gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” – căn bệnh hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, đòi hỏi phác đồ điều trị kéo dài (3-6 tháng) với thuốc đặc hiệu.

Bệnh Whitmore có khả năng gây tử vong cao đối với những trường hợp có bệnh nền gây suy yếu hệ miễn dịch.

Trường hợp ông V. là ca nhiễm trùng huyết nặng, do vi khuẩn đã gây tổn thương đa cơ quan từ mô mềm, khớp gối và lan đến phổi gây áp xe phổi. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp và khoa Chấn thương chỉnh hình đã phối hợp rất chặt chẽ để lên phác đồ dùng kháng sinh đặc trị, cắt lọc ổ áp xe, hút dịch khớp gối liên tục cho người bệnh bằng máy hút dịch áp lực âm.

Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân có những chuyển biến tích cực, ổ viêm ở gối trái dần được kiểm soát, tình trạng tràn dịch màng phổi thuyên giảm, sức khỏe ổn định trở lại. Từ chỗ nằm liệt giường, người đàn ông có thể đứng dậy cử động nhẹ nhàng, chức năng vận động dần phục hồi và được xuất viện.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)