Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Các sàn không thể vô can

Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Các sàn không thể vô can
Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Các sàn không thể vô can

Trong khi người bán hàng vi phạm có thể bị xử phạt, truy tố, thì nhiều sàn thương mại điện tử – nơi trực tiếp phân phối, hưởng hoa hồng và chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung – vẫn ung dung vô can.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc các sàn phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể nếu để hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên nền tảng của mình.

Không để chối bỏ trách nhiệm

Anh Nguyễn Nhân, nhà sáng lập Nhân Nguyễn Sharing, cho rằng sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải chịu trách nhiệm khi để hàng giả tràn lan. Theo anh, nhiều sản phẩm nhái mẫu mã, dùng hình ảnh hàng hiệu như LV, Chanel nhưng vẫn được sàn duyệt bán, cho thấy quy trình kiểm soát quá lỏng lẻo. Nhân viên các sàn cũng thiếu nghiệp vụ để xác minh giấy tờ hay phát hiện ảnh giả, hàng nhái.

Vụ bắt giữ kho hàng lậu “cực khủng” của bà Nguyễn Hoàng Mai Ly bán trên mạng xã hội và các nền tảng TikTok Shop, Shopee…. ẢNH: QUYÊN LƯU

Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cũng chia sẻ để người bán hàng muốn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thì về quy trình phải ban hành một quy định sản phẩm, giấy phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền, chẳng hạn mỹ phẩm phải có giấy phép của Bộ Y tế. Sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) và chứng nhận chất lượng hàng hóa (CQ). Tuy nhiên, việc đăng ký bán hàng trên sàn TMĐT hiện nay rất đơn giản, dễ dàng.

Trong khi đó, theo luật sư Toại, công tác quản lý đang có vấn đề, chưa quy rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành. Sữa giả, thuố.c giả, thực phẩm bẩn trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng thế nhưng không quy đầu mối 1 bộ quản lý, để 4 – 5 bộ cùng quản, đến khi quy trách nhiệm ai cũng bảo “không phải bộ của tôi”. “Chúng ta vận động người tiêu dùng thông thái nhưng trước hết trách nhiệm phải là của cơ quan quản lý nhà nước, phải đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn; đối với những sản phẩm có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì cần phải quản lý chặt chẽ”, luật sư Toại nhấn mạnh.

Video đang HOT

Điều đáng nói, theo luật sư Toại, các sàn TMĐT chỉ quan tâm thu phí bán hàng, còn gần như thả nổi để người bán và người mua làm việc với nhau. Họ ở giữa hưởng phần chênh lệch doanh thu nhưng không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Trong khi đó, đối với chợ truyền thống, chủ đầu tư chợ phải chịu trách nhiệm đủ thứ, từ an toàn vệ sinh thực phẩm đến cháy nổ…

Bài viết liên quan  B ắ t giữ đối tượng thực hiện

Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty luật An Hoàng Gia, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cũng cho rằng tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các nền tảng TMĐT đang diễn biến rất phức tạp và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xem xét lại trách nhiệm pháp lý của các sàn trong từng vụ việc cụ thể.

Theo luật sư Hải, hiện nay pháp luật đã có những quy định để xác định trách nhiệm kiểm soát, quản lý của sàn TMĐT trong cung cấp môi trường giao dịch trực tuyến. Theo đó, sàn có thể bị xử lý trách nhiệm pháp lý nếu không kiểm soát thông tin người bán; không có cơ chế phát hiện, xử lý và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm như hàng giả, hàng nhập lậu… Đặc biệt, nếu sàn TMĐT hưởng lợi bất chính từ hoạt động vi phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong vai trò đồng phạm theo bộ luật Hình sự.

“Các sàn TMĐT không thể núp bóng là “trung gian kỹ thuật” để chối bỏ trách nhiệm. Việc để hàng giả, hàng nhập lậu tồn tại công khai trên nền tảng, đặc biệt khi có dấu hiệu trục lợi hoặc thiếu kiểm soát là hành vi cần được xử lý nghiêm khắc”, luật sư Hải nói.

Theo Hiệp hội TMĐT VN, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp.

Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội, nhìn nhận các vụ sữa giả, thuố.c giả cho thấy tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nhức nhối nhưng quá trình hậu kiểm làm chưa tốt. Để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán công khai, thoải mái trên môi trường điện tử đặt ra thách thức cần phải định danh người bán hàng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đầy đủ.

Theo ông Minh, với hoạt động kinh doanh online ngày càng phát triển, Hiệp hội TMĐT đã nhiều lần kiến nghị cần phải có những quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Ngoài ra, cần phải đưa ra quy định về trách nhiệm đạo đức của người bán hàng, tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật.

Để minh bạch thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái và trốn thuế trên sàn TMĐT, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT để định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VNeID.

Bài viết liên quan  Giá vàng sáng 15/2: Bao năm tích lũy dành cưới vợ cho con nhưng giờ mất sạch rồi…

Theo các chuyên gia, việc sớm xây dựng và ban hành luật TMĐT là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, cần đưa quy định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia, nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp lý và quyền lợi của mỗi bên, đặc biệt cần quy định định danh người bán hàng online qua VNeID. Khi thông tin người bán được xác thực thông qua VNeID, mức độ bảo mật và độ tin cậy của dữ liệu sẽ cao hơn rất nhiều so với tự cung cấp như hiện nay. “Việc định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VNeID là giải pháp cần thiết và phù hợp để giải quyết những bất ổn trên môi trường TMĐT hiện nay. Định danh giúp cho mọi người hiểu rõ trách nhiệm trên sàn TMĐT”, ông Nguyễn Bình Minh bày tỏ.

Kết nối, liên thông dữ liệu để chặn hàng giả

Về giải pháp, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết đơn vị đang tăng cường phối hợp với các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada… để chia sẻ thông tin, xác minh người bán, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện nay, một số nền tảng đã bước đầu thiết lập cơ chế phản hồi nhanh khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng; triển khai các công cụ kiểm duyệt nội dung sản phẩm, nhận diện hành vi sai phạm trong đăng bán.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hiệu quả phối hợp vẫn ở mức “hỗ trợ bước đầu” do dữ liệu người bán chưa được chia sẻ đầy đủ, thường chỉ cung cấp sau khi có yêu cầu chính thức; chưa có hệ thống kết nối thông tin liên ngành, dẫn đến việc xử lý còn thủ công, tốn thời gian. Nhiều hành vi vi phạm được ngụy trang tinh vi dưới dạng cá nhân nhỏ lẻ, khó truy xuất nhanh nếu không có dữ liệu đầy đủ từ nền tảng.

Cũng theo ông Bình, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đang chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tiến hành rà soát, phát triển hạ tầng kỹ thuật, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Bài viết liên quan  Người phụ nữ ở Hà Nội mắc ung thư vú cả 2 bên cùng lúc, thừa nhận bỏ qua 2 dấu hiệu

“Cục đang phối hợp với Cục Công nghiệp an ninh của Bộ Công an triển khai các giải pháp ứng dụng tem công nghệ smart sticker (công nghệ RFID) và truy vết điện tử, giúp xác minh nguồn gốc, kiểm tra xuất xứ và ngăn chặn hàng giả. Phối hợp với các sàn TMĐT nghiên cứu, áp dụng công nghệ AI trong phát hiện hàng giả qua hình ảnh hoặc mô tả sản phẩm, và ứng dụng blockchain để đảm bảo minh bạch trong chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa”, ông Bình nói.

Ông Hoàng Ninh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết để khắc phục những hạn chế, quy định chưa điều chỉnh kịp thời trong quản lý TMĐT, Bộ Công thương đã chủ động kiến nghị xây dựng các chính sách phát triển TMĐT thông qua đề xuất xây dựng Dự án luật TMĐT. Đến nay, hồ sơ dự án luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.

“Việc ban hành văn bản luật sẽ đặt nền móng quan trọng trong việc định hình các nền tảng và mô hình hoạt động TMĐT mới mà trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 85/2021/NĐCP) chưa quy định; từ đó những quy định cụ thể, những chế tài mới sẽ được điều chỉnh phù hợp đối với các đối tượng tham gia hoạt động TMĐT trên các nền tảng số”, ông Ninh nói.

Nhiều nước cấm hàng ẩn danh, sàn phải chặn hàng giả

Từ năm 2019, Trung Quốc đã ban hành luật TMĐT quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các sàn nếu không kiểm soát hàng giả. Ngoài ra, nước này triển khai hệ thống giám sát thông minh sử dụng AI, Big data nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường từ người bán, quảng cáo và kho hàng. EU cũng áp dụng Đạo luật Dịch vụ số (DSA), buộc các nền tảng phải gỡ bỏ hàng giả ngay khi phát hiện. Đồng thời, yêu cầu truy xuất nguồn gốc qua mã vạch, QR code và minh bạch thông tin nhà cung cấp.

Mỹ đang xây dựng đạo luật “Shop Safe” yêu cầu nền tảng xác minh rõ danh tính người bán, các nền tảng sẽ bị xem xét truy tố hình sự nếu có hành vi phân phối hàng giả. Singapore yêu cầu các sàn TMĐT công bố định kỳ các biện pháp phòng chống hàng giả, đồng thời xây dựng hệ thống phân loại người bán uy tín. Nhật Bản yêu cầu các sàn TMĐT xác thực sản phẩm ngay từ nhà sản xuất, yêu cầu người bán phải minh bạch giấy tờ và cấm người bán ẩn danh.

Nguồn: https://vietgiaitri.com/tran-lan-hang-gia-hang-nhai-tren-san-thuong-mai-dien-tu-cac-san-khong-the-vo-can-20250517i7443801/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1IaW5oXzIwMjUwNTE3fDEzOjAwOjAw