
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – tác giả “Bài ca đất phương Nam”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Hãy yên lòng mẹ ơi” – qua đời ở tuổi 89, sáng 29/3.
Anh Lê Anh Trung – con của nhạc sĩ – cho biết ông qua đời tại Bệnh viện Nhân dân 115, sau nhiều tháng điều trị các bệnh tuổi già. Theo đại diện gia đình, ông không có tác phẩm nào dang dở trước khi mất. Tuy nhiên, nhạc sĩ chưa kịp gửi bộ hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh dù đã hoàn thành. “Gia đình tôi vẫn chưa dám cho mẹ hay tin vì sức khỏe bà còn yếu”, người con nói. Vợ nhạc sĩ là nhà thơ Lê Giang.
Lễ nhập quan và viếng diễn ra sáng 30/3, linh cữu được đưa về quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam (quận Gò Vấp). Lễ truy điệu diễn ra sáng 31/3, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (1936-2025). Ảnh: Nguyễn Á
Nhạc sĩ Trương Quang Lục (tác giả ca khúc Vàm Cỏ Đông) nói hơn 50 năm quen biết Lư Nhất Vũ, ông ngưỡng mộ ở nhạc sĩ ở khả năng sáng tác dồi dào dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo của thời chiến. Thập niên 1970, nhạc sĩ xung phong “đi B” (từ Bắc vào chiến trường miền Nam), sau đó sáng tác nên những ca khúc bất hủ. “Tôi thích âm nhạc của anh ở giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất, với những nhạc phẩm đậm tinh thần dân tộc nhưng vẫn mang màu sắc hiện đại. Đó cũng là điểm chung, kết nối tình bạn chúng tôi nhiều thập niên qua”, ông nói.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tên thật là Lê Văn Gắt, sinh năm 1936 ở vùng đất Bình Dương. Ông từng tham gia biểu tình phản chiến trong phong trào của học sinh – sinh viên miền Nam, rồi tập kết ra miền Bắc, tham gia Thanh niên xung phong.
Qua hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là tác giả nổi tiếng dòng nhạc cách mạng. Năm 1962, ông tốt nghiệp khoa sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), sau đó về nhận công tác ở Đoàn ca múa miền Nam. Năm 1967, ông công tác tại phòng chỉ đạo Văn công thuộc Vụ Âm nhạc và múa, theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Năm 1970, khi vượt Trường Sơn trở về chiến trường miền Nam, ông công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở miền Tây Nam bộ. Đầu năm 1974, ông cùng vợ, đi suốt bốn tháng về U Minh, để giúp đỡ phong trào văn nghệ ở miền Tây Nam bộ. Năm 1989, ông làm Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP HCM cho đến ngày nghỉ hưu năm 1997.
Nhiều sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đậm nét đời sống, tâm hồn, tình cảm của người miền Nam trải qua bao thăng trầm, cũng như thể hiện mối gắn kết quân dân một lòng với tình yêu quê hương đất nước. Nhiều ca khúc của ông gây tiếng vang, như Hàng em mang tới chiến hào, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn – giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Thống nhất Trung ương), Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Tiếng cồng vượt thác.
Những ca khúc về sau của ông mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ. Trong đó, ca khúc Bài ca đất phương Nam – ra đời năm 1997 (nhạc phim Đất phương Nam – đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) được nhiều thế hệ khán giả yêu mến bởi ca từ, tiết tấu, gợi nhớ về một thời mở đất, mang văn hóa vùng miền và bản sắc của người miền Nam. Trong phim tư liệu do đạo diễn Tùng Thiện thực hiện, nhà thơ Lê Giang từng cho biết vợ chồng bà đi qua hàng trăm cánh đồng ở miền Tây để chắt chiu cảm xúc trong Bài ca đất phương Nam. Hình ảnh của vùng đất Gáo Giồng, Đồng Tháp Mười thể hiện trong nhạc phẩm đầy chất hùng vĩ và thiêng liêng.
Ca khúc “Bài ca đất phương Nam” (nhạc: Lư Nhất Vũ, thơ: Lê Giang) do Tô Thanh Phương trình bày. Video: TFS
Vợ chồng nhạc sĩ dành hơn 40 năm sưu tầm, lưu giữ các điệu lý, câu hò, đi dọc đất nước, từ mũi Cà Mau đến các tỉnh phía Bắc để tìm những âm điệu dân ca còn lưu lạc. Họ biên soạn các tài liệu sưu tầm thành những tác phẩm như Dân ca Bến Tre, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Cửu Long. Họ cho ra đời những công trình nghiên cứu âm nhạc như Hò – Lý trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam.
MV “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của tốp ca Nhạc viện TP HCM. Video: YouTube Nhạc Cách mạng tiền chiến
Lư Nhất Vũ còn sáng tác nhiều thể loại như ca khúc thiếu nhi, trường ca, hợp xướng, nhạc cảnh, nhạc múa, nhạc sân khấu, nhạc phim hoạt hình, độc tấu.
Năm 2019, đôi nghệ sĩ tặng lại thư viện gia đình gồm toàn bộ sách, tài liệu dân ca sưu tầm cho ông Trần Vương Thạch – nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HBSO), vì cả hai có mối thâm tình trong nghề, chung đam mê nghiên cứu âm nhạc. Thư viện này gồm các tác phẩm về công trình sưu khảo, chuyên khảo dân ca Nam bộ và Việt Nam, tài liệu nghiên cứu lý luận âm nhạc, băng đĩa ca nhạc, phim tài liệu, bút tích tác phẩm.
Ca khúc “Hãy yên lòng mẹ ơi” (thơ: Lê Giang) qua tiếng hát Minh Quang. Video: YouTube Hà Nội Vi Vu